Cách phòng chống sâu bệnh cho Cây Măng Cụt
Một số sâu bệnh gây hại thường gặp trên Cây Măng Cụt là Bệnh Chết Nhánh, Bệnh Đốm Rong, Bệnh Xì Mủ Sượng Trái…
Bệnh Xì Mủ, Sượng Trái
Xì Mủ, Sượng Trái là hiện tượng khá phổ biến trên Cây Măng Cụt. Triệu chứng dễ thấy là vỏ trái bị xì mủ, thịt trái bị sượng, phẩm chất giảm trầm trọng.
Phòng chống bệnh: Cần phải giữ cho vườn cây đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa và xử lý cho cây ra hoa sớm, cho thu hoạch trái trước khi mua mưa đến. Cụ thể là xử lý Măng Cụt ra bông sớm vào tháng 11 để thu hoạch trong tháng 4 dương lịch (giai đoạn chín hoàn toàn rơi vào mùa nắng).
Bệnh Thán Thư
Bệnh này do nấm Collectotrichum gây ra. Bệnh có thể phát sinh trên lá, cành và trái. Trên lá, bệnh tạo thành các đốm cháy màu nâu, nhiều đốm có thể liên kết với nhau làm khô cả một mảng lá. Trên trái bệnh tạo thành những đốm màu nâu đen có thể làm trái thối khô và rụng. Nấm tồn tại trên các lá và trái bị bệnh, phát tản lây lan do gió và nước. Bệnh sẽ phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp.
Bệnh Thán Thư trên Cây Măng Cụt
Phòng trị: Bằng các biện pháp tỉa cành tạo tán để cây thông thoáng, nhiều ánh sáng và khô ráo. Khi phát hiện mới có bệnh, Bà con dùng các loại thuốc như Carbenzim, Mexyl MZ, Bendazol, Thio-M, phun ướt đều lên tán lá hoặc khi trái còn non.
Bệnh Chết Nhánh
Bệnh Chết Nhánh do nấm Zignoella gorcirea. Dấu hiệu nhận biết là trên thân và cành có sự xuất hiện có những vết loét, vết u sần, đôi khi chảy nhựa, kéo theo khô cuống lá và cành, trong trường hợp bị nặng thì cây có thể bị chết.
Biện pháp phòng trừ: Bà con cắt và loại bỏ những cành bị hại nặng, những cành khô chết để hạn chế lây lan; quét nơi vết cắt bằng các loại thuốc gốc đồng, có thể kết hợp phun các loại thuốc gốc đồng lên tán lá và quét vôi pha vời thuốc gốc đồng vào gốc cây ở đầu mùa mưa.
Bệnh Bồ Hóng
Tác nhân gây bệnh được xác định là do nấm Capnodium sp. Triệu chứng của bệnh là bệnh phát triển với các tơ nấm màu trắng hồng bao phủ quanh các cành và chồi non. Phần phiến lá phía trên vết bệnh khô dần và chết. Bệnh phát triển khi điều kiện khí hậu chuyển sang khô.
Cách phòng trừ: Bà con có thể phun các loại thuốc gốc đồng để phòng và trừ bệnh này.
Bệnh Đốm Rong
Bệnh này tấn công trên rất nhiều loài Cây Ăn Quả trong đó có cả Măng Cụt. Bệnh trở nên nghiêm trọng ở những vườn cây chăm sóc kém. Tác nhân gây bệnh là do tảo Cephaleuros virescens.
Bệnh Đốm Rong trên Cây Măng Cụt
Triệu chứng: Bệnh xảy ra trên lá, thân, nhánh. Tảo tấn công trên thân nhánh tạo thành các đốm đồng tiền hay loang lỗ màu xám xanh hoặc vàng (lúc đang sinh sản).
Biện pháp phòng trừ: Phun hoặc bôi các hỗn hợp thuốc gốc đồng, có thể dùng vôi quét lên thân cây.
Sâu Vẽ Bùa (Phyllocnistis citrella)
Triệu chứng: Sâu non mới nở ăn biểu bì lá, tạo thành những đuờng ngoằn ngoèo và có thể gây cháy từng mảng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Phòng trị: Phun các loại thuốc để phòng trị Sâu Vẽ Bùa trên Măng Cụt như: Sherzol 205EC, Saliphos 35EC, Confidor, Applaud, Dầu DC-Tron plus vào giai đoạn ra lá non theo liều lượng khuyến cáo.
Bọ trĩ (Thrips spp.)
Triệu chứng: Bọ Trĩ gây hại hoa và giai đoạn trái non, chúng tấn công làm trái chảy nhựa, tạo thành các vết sẹo trên vỏ trái làm giảm chất lượng và giá trị thương phẩm.
Phòng trị: Tỉa bỏ các cành trong tán giúp cây thông thoáng sẽ giảm mật số Bọ Trĩ. Có thể phun ngừa vào giai đoạn trái non bằng các loại thuốc: Fenbis 25EC, Malate 73EC, Confidor, Dầu DC-Tron plus theo liều lượng khuyến cáo.
Nhện đỏ (Tetranychus spp.)
Triệu chứng: Thành trùng Nhện Đỏ rất nhỏ, màu vàng hay đỏ nhạt, có tám chân. Nhện cắn phá vỏ trái làm vỏ sần sùi như da cám, làm giảm chất lượng trái và giá trị thương phẩm.
Phòng trị: Có thể phun nước với áp lực mạnh lên tán cây vào mùa nắng sẽ làm giảm mật số Nhện Đỏ, có thể dùng các loại thuốc để phun ngừa như: Dimenate 40EC, Saliphos 35EC, Ortus, Dầu DC-Tron plus, Confidor theo khuyến cáo vào giai đoạn cây mang trái non.