Kỹ thuật chăm sóc Cây Măng Cụt
Các kỹ thuật chăm sóc Cây Măng Cụt bao gồm: che bóng, tủ gốc giữ ẩm, tưới nước, bồi liếp, bón phân…được thực hiện theo từng giai đoạn phát triển của cây.
Che bóng và tưới nước
Cây Măng Cụt là cây ưa bóng, cây con khó sống ngoài trời nên cần được che mát trong 4-5 năm đầu vì ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể làm cây chậm phát triển. Bà con thường trồng xen Cây Chuối để hạn chế 50-60% ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây nhất là trong hai năm đầu sau khi trồng ra vườn. Trồng Chuối cách gốc măng cụt 1-2m về 4 hướng hoặc chỉ trồng ở hai hướng Đông và Tây.
Măng Cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên Rễ Măng Cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang trái.
Che bóng và tưới nước
Giữ ẩm và bồi bùn lên liếp
Ngay sau khi trồng Bà con nên dùng rơm rạ hoặc cỏ khô phủ mô trồng quanh cây một lớp dày khoảng 5-10cm và cách xa gốc khoảng 10-20cm, trong mùa khô để giảm sự bốc thoát hơi nước.
Hàng năm, vào mùa nắng Bà con cần vét bùn ở mương lên bồi liếp nhằm nâng cao mặt liếp và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây và chỉ cần bồi một lớp bùn mỏng khoảng 3-4cm.
Bón phân cho Măng Cụt
Cây Măng Cụt cho trái cách năm rất thường xảy ra, chủ yếu là do việc bón phân cho cây hầu như chưa được quan tâm. Vì thế, chúng tôi giới thiệu quy trình bón phân để Bà con tham khảo như sau:
Giai đoạn cây con: Bón 5-10kg phân chuồng/cây/năm. Phân vô cơ ở giai đoạn chưa cho trái có thể bón phân N:P:K 16-16-8 hoặc N:P:K 20-20-15.
Giai đoạn cây cho trái: Bà con bón làm 3 lần, lần 1 ngay sau khi thu hoạch, lần 2 khi cây ra hoa 30-40 ngày, lần 3 sau khi đậu trái khoảng 2cm. Các loại phân dùng để bón chủ yếu là phân chuồng hoai, phân vô cơ (lân và kali)
Bón phân cho Măng Cụt
Ngoài ra để góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất trái còn có thể phun phân bón lá Growmore ( 20:20:20) 10g/8lít nước phun làm 3 lần mỗi lần cách nhau 1 tuần và bắt đầu phun vào 2 tuần sau khi đậu trái và cũng có ý kiến của nông dân cho rằng trong giai đoạn trái phát triển cần bón thêm Ca(NO3)2 hoặc bón vôi Dolomite 2Kg/cây sẽ tăng được phẩm chất trái.
Tỉa cành tạo tán và làm cỏ
Trừ cỏ dại: Trong những năm đầu khi cây chưa khép tán, cỏ dại sẽ phát triển mạnh, nên diệt cỏ bằng phương pháp thủ công hoặc dùng máy cắt cỏ.
Tỉa cành tạo tán: Tỉa cành tạo tán cho Cây Măng Cụt phải được chú ý thực hiện thường xuyên ngay khi cây còn nhỏ, cần tỉa bỏ các cành mọc dày đặc, cành vượt mọc đứng trong thân, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, chỉ giữ lại các cành mọc ngang, cành khoẻ mạnh để tạo cho cây có tán thông thoáng và cân đối. Khi cây đã cho trái, sau khi thu hoạch xong phải tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho trái, cành vô hiệu nằm trong tán cây.
Treo cành: Cây Măng Cụt có cành to nhưng lại rất giòn và dễ gãy, do đó ở cây có cành phát triển tốt cần phải dùng dây nylon chắc để kéo cành lên, nhằm tránh gãy nhánh hư cành bằng cách cột một đầu dây vào cành và đầu còn lại cột vào thân cây chính. Việc treo cành là cần thiết nhất là trong mùa mưa bão, trong giai đoạn cây mang trái và trong vụ thu hoạch.